Rau sống rửa 3 nước vẫn nguy hiểm

Rau sống là một thành phần không thể thiếu trong nhiều món ăn của ẩm thực Việt Nam. Nhưng cũng chính rau sống là nguồn lây truyền khá nhiều bệnh tật cho con người. Phát biểu với báo Tri thức trực tuyến, mới đây bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 108) nói rằng người ăn rau sống phải đối mặt với nguy cơ mắc các chứng viêm nhiễm đường tiêu hóa, giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp hoặc mạn tính.

Trong đó bệnh đường tiêu hóa là dễ gặp nhất và có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn rau sống. Bác sĩ Vi cũng cho biết thêm là các loại rau như xà lách, húng chó, mùi là những loại rau tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh đường ruột nhất.
Trong mấy năm qua, đã từng xảy ra một số vụ vì ăn rau sống mà bị ngộ độc. Chẳng hạn tháng 9/2013 ở Kon Tum, 27 người đã bị ngộ độc phải đưa vào Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy cấp cứu. Theo báo Công an TP. HCM, nguyên nhân ban đầu được xác định là do món rau sống.

Theo các chuyên gia, sở dĩ rau sống có thể gây ngộ độc và các ảnh hưởng có hại cho sức khỏe là vì nó thường được tưới bằng nước tiểu, phân tươi, nước từ mương ao, cống rãnh… Chính vì thế nó dễ nhiễm các ký sinh trùng như giun kim, giun móc, sán lá gan…

Để khử trùng cho rau, người dân và ngay cả các nhà hàng, quán ăn thường ngâm rau với nước muối hoặc dung dịch thuốc tím. Tuy vậy, PGS. TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục Vê sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế) chia sẻ với báo Tri thức trực tuyến rằng, nước muối hay thuốc tím không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là các hóa chất bảo vệ thực vật.

Các chuyên gia Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) từng nghiên cứu trên 8 loại rau sống thường được ăn nhiều nhất như xà lách, rau muống, cải bẹ xanh, rau đắng, cải cúc, rau má, rau thơm gia vị, xà lách xoong. Kết quả thật đáng sợ, tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau lên tới 92,3 đến 100%. Kể cả rau đã được rửa sạch bằng 3 lần nước và rửa bằng nước chuyên dụng thì tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn ở mức 51,9% đến 82,6%.

Do vậy, các chuyên gia khuyến cao, tốt nhất không nên ăn rau sống mà nên chần qua.

Ngoài ra, một số người thuộc các đối tượng sau nhất định không nên ăn rau sống. Những người này gồm phụ nữ mang thai, người bị viêm đại tràng, người bị đau dạ dày và người dễ bị cảm cúm.

Theo Trần Long (Đời sống & Pháp luật)

Cách chọn tôm, mực tươi ngon

Thời gian qua, thông tin trên thị trường xuất hiện tôm bơm tạp chất, mực ướp ô-xy già... khiến người tiêu dùng hoang mang. Mới đây, lực lượng chức năng của Chi cục đã bất ngờ kiểm tra và phát hiện một cơ sở kinh doanh hải sản ở Đông Anh đang tiến hành bơm tạp chất làm tươi những con tôm chết để bán ra thị trường. Tại cơ sở này đã thu giữ được 150kg tôm bơm tạp chất.
Chia sẻ trên báo Gia đình và Xã hội, ThS Trần Trọng Vũ, giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm (ĐH Công nghệ Sài Gòn), ô-xy già (hydro peroxide – H2O2) là hoá chất có tính ô-xy hoá rất mạnh, có khả năng tẩy trắng và sát khuẩn. Trong danh mục phụ gia cho phép sử dụng của Bộ Y tế (Quyết định 3742/2001/QÐ-BYT) thì ô-xy già không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Ðiều đáng nói là quy trình tẩy trắng hải sản bằng hoá chất ngày càng tinh vi, người tiêu dùng không dễ nhận biết đâu là thực phẩm tươi sống, từ đó dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, khi chọn mua hải sản, tốt nhất người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo để chọn mua loại thực phẩm tươi sống chất lượng đảm bảo.

Phân biệt mực không ngậm hóa chất
Có rất nhiều loại như mực nang, mực ống, mực sim… Nếu bạn muốn chọn mực tươi thì nên chọn con to, dày mình, trắng trong, thịt chắc không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều bên ngoài đối với mực nang, còn mực ống thì chọn con có lớp thịt màu sáng hơi hồng, dầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ.

Còn đối với mực kém tươi, màu con mực đã chuyển sang hơi xanh ngà, thịt nhão, đầu không dính chặt với thân, kèm theo mùi rất tanh do túi mực bị vỡ.

Phân biệt tôm không ngậm hóa chất
Theo thông tin trên báo Khám phá, tôm tươi ngon thì trước tiên thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn. Phần đuôi tôm sạch thường cúp đuôi xuống.

Ngược lại, với tôm bơm hóa chất, mình thường mập, căng và chắc bất thường. Phần đuôi, tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi. Thân tôm thường nhợt nhạt, thân căng đến mức lộ rõ các đốt trên thân gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bị bơm thường có mang cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng và hơi lỏng.

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

Khoai tây bọc xúc xích chiên giòn

Món khoai tây bọc xúc xích chiên giòn vừa ngon lại lạ miệng bé vô cùng yêu thích. Không tốn quá nhiều thời gian để chế biến ra món ăn vừa giàu tinh bột lẫn protein cung cấp năng lượng cho trẻ nhỏ và kể cả bạn hoặc các anh chồng cũng nghiền món này cũng nên.
Nguyên liệu:

- Khoai tây
- Xúc xích
- Bột chiên xù
- Que xiên
- Đồ chấm: mù tạt vàng, sốt cà.
Thực hiện:

Bước 1: Khoai tây gọt vỏ, bỏ mắt, rửa sạch, cắt miếng. Sau đó đem luộc chín mềm. Thử khoai chín bằng cách dùng đũa xiên vào khoai, nếu thấy xiên dễ dàng là khoai đã chín. Khoai chín chắt hết nước ra khỏi nồi đặt tiếp lên bếp nhỏ lửa để cho khoai khô không bị nhão.
Bước 2: Khoai sau khi luộc chín, cho vào bát, thêm chút muối tiêu, lấy dụng cụ nghiền khoai hoặc thìa cứng để ấn cho khoai mềm mịn.
Bước 3: Dùng găng tay sạch, viên từng viên khoai tây nghiền, rồi ấn dẹt, đặt xúc xích hun khói vào giữa, bọc lại và dùng tay bóp và vê lại thành một khối.
Bước 4: Cứ bọc khoai tây với xúc xích lần lượt cho đến hết.
Bước 5: Cho bột chiên xù ra đĩa, lăn những viên khoai tây bọc xúc xích qua đĩa bột này sao cho viên khoai tây được phủ kín lớp bột chiên xù.
Bước 6: Cho nồi chống dính sâu lòng lên bếp, cho lượng dầu đủ sâm sấp mặt khoai là được. Dầu sôi bạn thả từng viên khoai vào nồi, lăn nhẹ tay để khoai được chín vàng đều các mặt. Không chiên trong lửa nhỏ vì sẽ làm khoai ngấm dầu vào trong dễ bở bục.
Bước 7: Khoai chín vàng đều bạn cho khoai ra đặt lên giấy thấm dầu cho hút bớt dầu mỡ thừa.
Khoai bọc xúc xích chiên sẽ ngon hơn khi ăn nóng, nếu thích bạn có thể xiên khoai vào que và bóp mù tạt vàng kèm tương cà để ăn cùng sẽ rất hợp đấy nhé!

Chúc bạn thành công với cách làm món khoai tây bọc xúc xích chiên giòn cho cả nhà!

Theo Trịnh Thùy Linh (Khám phá)

6 nguy hiểm khó lường khi dùng lò vi sóng

Ngày nay, lò vi sóng đang trở thành một thiết bị nhà bếp được nhiều người tin tưởng và sử dụng. Việc dùng lò vi sóng sẽ giúp tiết kiệm thời gian nhưng bên cạnh sự tiện lợi đó thì nó cũng đi kèm với những nguy hại mà chúng ta không lường trước được.

Dưới đây là 6 hệ lụy khi dùng lò vi sóng nấu ăn mà các bà nội trợ nên biết.

1. Làm giảm các chất dinh dưỡng của thực phẩm

Sử dụng lò vi sóng để hâm thức ăn nhiều lần có thể làm giảm sút lượng dưỡng chất có trong thực phẩm. Do sự nung nóng điện môi của lò vi sóng mà các thành phần dưỡng chất trong thực phẩm sẽ dần bị biến đổi và mất đi.

Lò vi sóng làm nóng đồ ăn bằng cách xoay các phân tử nước qua lại. Và trong quá trình xoay qua xoay lại, các phân tử nước sẽ cọ xát vào nhau và tạo ra ma sát, là nguồn sản sinh nhiệt năng và dần dần làm thực phẩm nóng lên. Điều này khiến cho các cấu trúc phân tử trong thức ăn bị thay đổi và kết quả là giảm hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm.

2. Hình thành các vi khuẩn gây hại khi hâm nóng sữa mẹ

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Pediatrics, dùng lò vi sóng để hâm nóng sữa mẹ sẽ làm sản sinh ra các vi khuẩn gây hại cho bé. Các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm trên 22 mẫu sữa mẹ đông lạnh và được hâm lại bằng lò vi sóng ở nhiệt độ thấp hoặc cao và nhận thấy rằng, ở sữa mẹ được hâm lại, vi khuẩn E-coli phát triển rất nhiều.

Kết quả này cao hơn 18 lần so với sữa được nấu lại mà không dùng lò vi sóng. Các mẫu hâm trong lò vi sóng với nhiệt độ thấp làm giảm hoạt động của hệ enzyme tiêu hóa một cách đáng kể cũng như thúc đẩy sự phát triển của những vi khuẩn có hại cho trẻ.

3. Tạo chất gây ung thư trong thực phẩm

Các nhà nghiên cứu của Đức và Nga đã từng cảnh báo việc dùng lò vi sóng để hâm nóng những thứ được gói bằng nhựa hoặc đựng trong hộp nhựa có thể thải ra những chất độc hóa học nguy hiểm trực tiếp vào trong thức ăn của bạn.

Những chất hóa chất nguy hiểm đó bao gồm BPA, polyethylene terpthalate (PET), benzene, toluene, xylene. Chính vì mức độ nguy hiểm này, các bà nội trợ i không nên làm nóng bình sữa bằng nhựa của bé trong lò vi sóng.
4. Giảm lượng vitamin B-12 trong thực phẩm

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Agricultural and Food Chemistry, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra tác động của nhiệt vi sóng đối với lượng vitamin B-12 trong các thực phẩm như thịt bò sống, thịt lợn và sữa. Kết quả cho thấy khi hâm nóng sữa hoặc thịt trong lò vi sóng thì  lượng vitamin B-12 sẽ bị mất khoảng 30 - 40 %.

5. Có thể làm thay đổi máu trong cơ thể

Các nhà nghiên cứu lâm sàng của Thụy Sĩ cho biết các loại rau hoặc sữa được hâm nóng bằng lò vi sóng có thể làm giảm tế bào hồng cầu và tăng các tế bào máu trắng trong cơ thể. Mức cholesterol cũng tăng lên đáng kể sẽ gây nguy hiểm lớn cho sức khỏe.

6. Làm thay đổi nhịp tim của bạn

Đây cũng là một trong những tác động tiêu cực khi dùng lo vi sóng để nấu nướng. Với tần số thường là 2.45 GHZ, sóng vi sóng có thể gây hại đến cơ thể con người.

Một nghiên cứu được tiến hành bởi tiến sĩ Magda Havas tại trường đại học Trent (Canada) chỉ ra, mức độ bức xạ phát ra từ lò vi sóng ảnh hưởng đến cả nhịp tim của bạn. Do đó, khi bạn thấy hiện tượng bất thường như đau ngực hay nhịp tim không ổn định thì bạn cần phải ngừng sử dụng lò vi sóng ngay lập tức.

Theo Thanh Loan (medicaldaily) (Khám phá)

Chế biến Củ, Quả đúng cách?

Có nhiều loại rau, củ, quả sử dụng hằng ngày nhưng rất có thể bạn vẫn chưa biết cách sơ chế chúng sao cho chính xác nhất.

Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để việc sử dụng các loại thực phẩm này trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

1. Dưa hấu

Có thể nói dưa hấu không phải là một loại trái cây xa lạ gì với mọi người. Hầu như trong mọi bữa tiệc liên hoan, nó đều xuất hiện với cương vị là đồ ăn tráng miệng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách bổ dưa hấu sao cho đẹp mắt và dễ ăn nhất.

Để không phải vất vả khi ăn dưa hấu, một mẹo nhỏ là bạn đừng quên cắt bỏ bớt phần vỏ ở hai đầu như trong hình vẽ.
2. Quả bơ

Không chỉ là một loại trái cây chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, bơ còn có những công dụng làm đẹp tuyệt vời cho chị em phụ nữ. Không những vậy, loại quả này còn được đánh giá là "siêu phẩm" ăn dặm dành cho bé yêu.

Để thuận tiện hơn cho bạn khi dùng loại quả này, chúng tôi mách bạn một bí kíp nhỏ là nên dùng thìa để khoét phần bên trong để ăn. Để tăng thêm hương vị, có thể rắc thêm một chút muối, hạt tiêu hoặc nước sốt đậu nành
3. Cà rốt

Cà rốt là một trong những nguyên liệu nấu ăn được chị em phụ nữ sử dụng thường ngày trong các món ăn gia đình. Với sắc màu cam hấp dẫn sẽ tô điểm thêm phần nào phần "nhìn" cho món ăn của bạn. Tuy nhiên, dám cá rằng sẽ có rất nhiều bà nội trợ không biết cách gọt vỏ cà rốt một cách chuẩn nhất.

Để tăng phần đảm đang cho chị em, dưới đây là hình ảnh minh họa trình tự gọt cà rốt nhanh và đơn giản.
4. Chanh

Thông thường chúng ta chỉ cần dùng dao bổ đôi quả chanh ra rồi vắt. Tuy nhiên với cách làm này, bạn khó có thể vắt sạch hoàn toàn nước chanh. Cách chính xác nhất để vắt chanh mà không bị lãng phí nhiều nước chanh, bạn nên tham khảo các bước như trong hình.
5. Quả lựu

Bạn từng bổ đôi một quả lựu và khiến cho nhiều hạt bị vỡ đôi vì vết cắt. Thay vào đó, hãy dùng dao khoét một mảng nhỏ trên đỉnh của quả lựu, sau đó chia vỏ lựu thành nhiều phần rồi tách và kéo từng phần ra ngoài. Những miếng lựu sẽ được bóc ra một cách dễ dàng và ngay ngắn.
Theo Thanh Loan (awareness-time) (Khám phá)

Cách làm tào phớ thanh mát

Tự làm tào phớ không những ngon, lại đảm bảo vệ sinh, đảm bảo không những các bé sẽ rất thích mà cả gia đình bạn cũng đều hợp ăn món này. Cách làm tào phớ không khó nhé , bạn chỉ cần bớt thời gian ra xem công thức và thực hành là được.
Nguyên liệu:

- 150 gr hạt đậu nành khô; 1,5 lít nước 7 lá gelatin (hoặc 9 gr gelatine bột); vài lá nếp (lá thơm)

- Nấu nước đường: 50 gr đường thốt nốt + 30 gr đường trắng + 200 ml nước và vài lát gừng cho hết vào nồi hòa tan nấu 10 phút là được.
Thực hiện:

Bước 1: Đậu nành ngâm qua đêm, sau đó bóc bỏ vỏ nếu muốn tàu phớ trắng.

- Lá gelatin ngâm vào nước đá lạnh 15 phút.
Bước 2: Cho đậu nành và nước lạnh vào máy xay nhuyễn. Cho hỗn hợp đậu nành đã xay vào miếng vải mỏng, lọc lấy nước bỏ bã.
Bước 3: Cho sữa đậu nành, lá dứa, 30 gr đường vào nồi, bắc lên bếp nấu với lửa vừa.
Bước 4: Nấu khoảng 20 phút. Lưu ý, thường xuyên khuấy để tránh sữa tràn ra ngoài. Qua 20 phút bạn tắt bếp rồi vớt lá gelatin cho vào khuấy đều.

Đỗ hỗn hợp này ra bát lớn (bỏ lá nếp) và lấy màng bọc thực phẩm bọc miệng bát lại, cho vào ngăn mát tủ lạnh 4-5 tiếng cho tào phớ đông.
Trình bày: Múc tào phớ ra chén, chan nước đường có thêm vài lát gừng.
Món này ăn rất ngon là một món tráng miệng khà được nhiểu người ưa chuộng.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm tào phớ nhé!

Theo Lâm Anh Đào (Khám phá)

Các món giúp giải rượu dịp Tết

Tết là thời điểm được gặp, tụ tập bạn bè, người thân vì thế ít người có thể tránh khỏi những cơn say bia, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Để giúp ông xã giải rượu trong cơ thể, chị em hãy tham khảo các thông tin về món ăn dưới đây nhé!

Các loại nước uống

Bột sắn giây

Pha một cốc bột sắn dây có vắt chanh để uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây pha không cho đường hơi khó uống nhưng nó lại giúp cho gan tham gia đào thải độc tốt, giải rượu tốt.
Lá dong hoặc búp dong non

Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100-200 g, rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt pha đường uống. Búp dong non bạn có thể lấy về rửa sạch, giã ra lấy nước uống.

Nước quất (nước tắc)

Quất (hay còn gọi là tắc) rất hữu hiệu để giải rượu. Bạn có thể dùng quất tươi, quất khô hay quất ngâm chua đều tốt. Khi uống, pha cùng nước ấm và một thìa đường, 1 chút muối để nước uống thêm đậm đà, dễ uống.

Nước ép bưởi

Thịt bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, trị ho, giải rượu. Có thể sử dụng làm nước ép hoặc ăn trực tiếp đều có tác dụng giải rượu rất tốt.

Nước ép cà chua

Cà chua cũng giải ngộ độc và say rượu. Uống rượu say bị nôn không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm cho cơ thể mất đi một lượng lớn các chất nguyên tố cali, canxi, natri.... Cách đơn giản, dễ làm nhất là uống một cốc nước ép cà chua chín, sẽ kịp thời bổ sung cho cơ thể các nguyên tố nói trên.

Nước chanh

Chanh tươi một quả, vắt nước cho uống hoặc thái mỏng ăn cả quả càng tốt.
Nước củ cải trắng

Giã nát một ít củ cải trắng, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường rồi uống làm nhiều lần.

Nước cốt rau cần

Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.

Nước giấm

Giấm ăn 60 g, đường 15 g, gừng 3 lát, giã nát, hòa lẫn với nhau rồi uống.

Món ăn giải rượu

Dưa muối

Dưa muối và các thực phẩm lên men. Là một trong những món ăn lành mạnh cho sức khỏe. Những thực phẩm này giàu chất điện giải và nước muối giúp bạn ngăn chặn những cơn buồn nôn. Vì thế bạn nên ăn những món ăn này sau khi uống rượu.
Sữa chua

Sữa chua có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình hấp thu rượu, hơn nữa, hàm lượng canxi phong phú trong sữa chua còn rất tốt cho việc giải tỏa khó chịu sau khi uống rượu say.

Các chế phẩm từ đậu xanh

Ăn các sản phẩm chế từ đậu xanh (khoảng 10-30 g), hoặc giã 5-10 g đậu xanh cả vỏ, pha đường uống.

Nước hãm

Nước trà

Trà búp 5 g, quất khô (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được) 16 g, thái vụn. Hai thứ hãm với nước sôi uống.

Vỏ quýt khô

Vỏ quýt phơi khô (để lâu năm càng tốt) 30 g, có thể sao thơm; mơ chua 2 quả, cho vào khỏang 300 ml nước, sắc nhỏ lửa 20-30 phút rồi uống, thêm chút nước gừng hoặc trà gừng thì càng tốt.

Lưu ý

Các món ăn, đồ uống trên chỉ có tác dụng giảm bớt phần nào tác hại của rượu vì thế, điều quan trọng nhất là không uống rượu quá nhiều, làm chủ bản thân trước những lời mời mọc của mọi người.

Theo T.H (Khám phá)

Cách làm Mứt Dừa ăn Tết

Với những cách làm này bạn tha hồ tự tay làm ra những mẻ mứt dừa siêu ngon với nhiều màu sắc hấp dẫn cho ngày Tết.

Mứt dừa non vị sữa, trà xanh, cacao

Nguyên liệu:

- Cùi dừa non: 1kg
- Đường: 500gr
- Sữa tươi (hoặc sữa đặc): 1 túi 200gr
- Bột trà xanh: 2 thìa cà phê
- Bột cacao: 2 thìa cà phê
Thực hiện:

Mứt dừa non ăn rất ngon vì mứt khá dẻo và dai chứ không bị cứng cứng như mứt dừa làm từ dừa bánh tẻ. Nhưng để làm ra được 1kg mứt dừa non sẽ tốn khá nhiều quả dừa non vì mứt dừa non này mình làm hoàn toàn bằng loại dừa lấy nước uống nên phần cơm dừa không được nhiều. Các bạn có thể mua loại dừa non này ở những hàng bán dừa non, nhưng nên nói người bán chọn cho những quả có phần cơm dừa hơi dầy một chút.

Tốt nhất là các bạn nên mua lại những quả dừa đã được người ta bán hết phần nước cho khách, như thế sẽ vừa rẻ mà lại không bị lãng phí phần nước dừa vì không thể tiêu thụ hết một lúc. Hoặc trong những ngày nắng nóng, các bạn mua dừa non về uống hết nước. Sau đó các bạn hãy tách lấy phần cùi non rồi cho vào túi bóng zip (hoặc hộp), cất vào ngăn đá tủ lạnh.

Các bạn cứ góp dần như thế cho đến khi được nhiều nhiều một chút, đủ để làm một mẻ mứt. Lúc này các bạn chỉ cần bỏ cùi dừa non ra khỏi tủ lạnh, rã đông rồi làm. Với mẻ mứt dừa non này là mình cũng làm từ cùi dừa non được cấp đông từ lâu.

Dùng dao chặt quả dừa làm 4, lấy 1 chiếc thìa (loại thìa cứng một chút) cạy lấy phần cùi non (vì là dừa non nên khó để nạo được những sợi dừa thật dài và mỏng như dừa bánh tẻ nên không cần phải tách cùi dừa còn nguyên hình dạng như với dừa bánh tẻ).

Gọt bỏ phần vỏ nâu bên ngoài, thái dừa thành miếng hoặc những sợi nhỏ dài cỡ cái đũa ăn cơm (nếu thái thành miếng thì thời gian sên mứt sẽ lâu hơn một chút).

Rửa dừa với nước để loại bỏ phần dầu dừa, rửa lặp đi lặp lại khoảng vài lần cho đến khi nước rửa dừa trong là được.

Đun sôi 1 nồi nước, cho dừa vào chần nhanh trong khoảng 1 phút. Sau đó chắt bỏ nước, đổ dừa ra rổ cho ráo nước.

Cho 1/3 lượng đường và sữa tươi vào chảo, đun nhỏ lửa cho sữa ấm lên, dùng đũa quấy đều để đường tan. Cho 1/3 số dừa vào chảo, đun ở mức lửa trung bình, thi thoảng đảo đều. (Ở đây mình sên mứt dừa vị sữa trước vì mình sẽ tận dụng phần đường thừa không bám hết vào mứt cho mẻ sau).

 Khi nước đường cạn sền sệt thì hạ lửa về mức nhỏ nhất, đun liu riu và dùng đũa đảo liên tục để đường kết tinh bám trắng vào mứt. Vì mứt dừa non thái miếng khá dày cho nên nếu không sên cho mứt khô hẳn thì sau vài tiếng có thể mứt sẽ ra nước và ướt nhẹp.

Cho nên khi đường đã kết tinh bám trắng vào miếng mứt các bạn cứ vẫn tiếp tục đảo đều trên bếp như thế khoảng 10 -15 phút nữa. Khi cắn thử thấy bên trong miếng mứt có vẻ khô ráo và dẻo dai là được (khi đảo khô mứt trên bếp, lửa phải để thật nhỏ và đảo đều liên tục, tránh việc lửa to sẽ làm đường bị cháy).

Khi mẻ mứt dừa vị sữa đã được, các bạn cho mứt ra khay để hong cho mứt nguội và khô hơn. Phần đường thừa trong chảo các bạn cho thêm một ít nước và ½ lượng đường còn lại vào, đun cho đường tan hoàn toàn thì cho tiếp ½ chỗ dừa còn lại vào.

Đun cho đường cạn sền sệt thì rắc cacao vào, dùng đũa đảo đều và hạ lửa liu riu. Tiếp tục làm tương tự như mứt dừa vị sữa.

Để không bị lẫn mùi vị thì các bạn sên mứt dừa vị trà xanh bằng một chảo khác. Các bước sên mứt vị trà xanh sẽ làm tương tự như với mứt dừa non vị cacao.

Để mứt dừa non được khô hơn nữa thì sau khi sên, các bạn cho ra khay, đợi nguội rồi cho vào tủ lạnh 1-2 ngày.

Mứt dừa nhiều màu

Nguyên liệu:

- 2 trái dừa lựa quả đừng quá già (600gr) - 180ml sữa tươi - 350gr đường

- Màu hay vị các bạn cứ mua sữa đã có vị sẵn như sữa dâu, sữa chuối, sữa cam, sữa cà rốt hay sữa chocolate, sữa cacao...Đây là các loại sữa có đường nên các bạn hãy giảm lượng đường xuống còn 320gr thôi nhé.
Thực hiện:

- Dừa bổ làm đôi bỏ nước, hơ qua lửa hay cho vào lò nường 20 phút ở nhiệt độ 110 độ C (cách này gỡ vỏ dễ).

- Gọt bỏ phần vỏ nâu và rửa qua nước lạnh thật sạch.

- Bào dừa mỏng bằng dao hai lưỡi. Ngâm dừa vào nước lạnh 10 phút, sau đó sả qua nước lạnh thật sạch, để ráo.

- Sữa tươi, đường, dừa cho hết vào 1 cái âu to trộn đều.

 Những cách làm mứt dừa ngon - 6

-  Để như thế khoảng 2-3 tiếng cho đường tan.

- Cho dừa và nước đường vào chảo không dính, bắt lên bếp sên với lửa vừa, khi nước đường sôi bạn hãy hạ nhỏ lửa và tiếp tục sên cho đến khi đường kết tinh, mứt khô ráo thì tắt bếp.

- Đổ mứt ra khay, trong khi mứt còn nóng bạn gỡ những miếng mứt dài ra hay tạo hình hoa tùy thích.

 Lưu ý: Trong khi sên mứt bạn cần đảo đều để mứt không bị cháy nhé.
Theo Eva

Cách làm Ô mai Cóc xào ngon tuyệt

Năm hết Tết đến, bên cạnh những chén trà đãi khách, thăm hỏi sức khỏe luôn là những món mứt ngọt ngào truyền thống thân quen. Trong xã hội ngày nay, ngoài ăn ngon thì chúng ta còn chú trọng tới vấn đề ăn để khỏe, các món ô mai chua cay đã được ưa chuộng hơn mỗi ngày bên cạnh những món mứt ngọt lịm.

Trong đó, món ô mai cóc xào cùng cam thảo không những sở hữu mùi vị khó cưỡng mà còn có công dụng giữ sức khỏe, tốt cho tiêu hóa, kích thích vị giác trong những ngày Tết. Đây sẽ là điểm nhấn pha trộn giữa truyền thống và sáng tạo, một món quà Tết ý nghĩa dành tặng cho gia đình và người thân.
Tham khảo cách làm ô mai cóc xào dưới đây nhé!

Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 4 người)

- 200g cóc non
- 1 củ gừng
- Vài lát cam thảo
- 100g đường
Thực hiện:

Bước 1: Rửa sạch, gọt vỏ và thái nhỏ gừng. Dùng kéo cắt sợi cam thảo, sau đó dùng dao băm nhỏ.
Bước 2: Rửa sạch cóc non, gọt vỏ và cắt miếng vừa ăn.
Bước 3: Phơi cóc ngoài trời nắng khoảng 5 tiếng rồi ướp cùng 100g đường trong 1 tiếng để đường thấm vào cóc.
Bước 4: Đặt một chiếc chảo lên bếp, mở lửa vừa. Cho cóc vào sên từ từ đến khi đường sánh lại thì cho gừng vào, đảo đều thêm 5 phút nữa rồi tắt bếp.
Bước 5: Khi cóc vẫn còn ướt, lăn cóc qua lớp cam thảo băm.
Cất ô mai cóc xào vào lọ/hộp, giữ mát để dùng dần.

Lưu ý:

- Nên cho cóc và cam thảo vào một chiếc hộp lớn, lắc nhẹ đều để phủ cam thảo lên cóc được nhanh và đều.

- Có thể gia giảm lượng đường tùy vào độ chua của cóc non.

Chúc bạn thành công với cách làm ô mai cóc xào giòn ngon đón Tết nhé!

Theo Minh Luật (Khám phá)

Bò lúc lắc kèm khoai tây chiên

Món Bò lúc lắc ăn kèm khoai tây chiên thật là  đơn giản, chế biến nhanh nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng cho cả nhà. Một chút sắp xếp cho món ăn bạn sẽ được một đĩa bò lúc lắc khoai tây hấp dẫn và bắt mắt nhé!
Cách nấu bò lúc lắc không khó nhé!

Nguyên liệu:

- Thịt bò thăn loại mềm
- 3 củ khoai tây
- Gia vị: tỏi, muối tiêu, dầu hào, bơ nhạt.
- Đồ ăn kèm bạn có thể chuẩn bị thêm ít dưa chuột, rau mùi, tương cà, sốt mayonnaise.
Thực hiện:

Bước 1: Thịt bò bạn nhớ loại bỏ phần gân, cắt thành nững miếng vuông khổ 2 x 2 cm. Ướp thịt bò với tỏi bằm,một xíu muối tiêu, ít dầu hào và cho thêm một thìa con dầu ăn. Ướp bò từ 30 phút đến 1h để bò ngấm vị.
Khoai tây gọt vỏ, sau đó bạn cũng cắt miếng vuông cùng khổ với miếng thịt bò và thả vào bát nước muối loãng để khoai không bị thâm sau khi cắt. Để một lúc bạn vớt khoai ra để ráo.

Bước 2: Cho dầu ăn vào chảo, rán khoai tây trong lửa vừa cho đến khi các mặt của khoai chín vàng. Bạn cho khoai để riêng ra đĩa và chuẩn bị chảo để làm thịt bò.
Bước 3: Cho chảo lên bếp cho ít dầu ăn vào chảo. Dầu sôi bạn trút bát thịt bò đã ướp vào chảo, nhớ để lửa to. Bò xém cạnh bạn lắc chảo hoặc đảo để bò xém đều các cạnh còn lại là được. Trước khi bắc ra bạn cho một thìa bơ nhạt vào chảo đảo đều để tăng độ thơm ngậy của bò, bơ tan ngấm vào bò là bắc ra khỏi bếp.
Bước 4: Bày thịt bò, khoai tây ra đĩa bằng cách xen kẽ như hình bàn cờ. Cắt lát dưa chuột vừa để ăn kèm, vừa bày viền đĩa cho hấp dẫn.
Để tăng độ đậm đà của món ăn bạn có thể chấm tương cà (hoặc tương ớt) lên khoai tây rán để ăn kèm. Còn bóp ít mayonnaise lên miếng bò lúc lắc ăn kèm với rau mùi cũng rất phù hợp.
Dùng dĩa ăn để thưởng thức từng ô vuông bò lúc lắc với khoai tây thơm phức sẽ làm bạn thấy rất thú vị với món ăn đơn giản mà đủ chất này đấy.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với bò lúc lắc với khoai tây chiên dễ ăn cho cả gia đình!

Theo Thùy Linh (Khám phá)

Thịt viên thập cẩm chiên

Món thịt viên chiên vừa ngon lại lạ miệng kiểu này rất thích hợp để thưởng thức trong những ngày thu mát mẻ.
Nguyên liệu:

- 450g thịt bò và thịt lợn xay nhỏ
- 180g đậu phụ, dầm nát
- ½ củ hành tây cỡ trung bình; ½ củ cà rốt; 2 ngọn hành lá; 15 ml dầu mè; 10g tỏi băm nhỏ
- Muối, tiêu vừa ăn; 3 quả trứng, đánh đều; 100g bột mì; dầu thực vật để chiên

Cách làm:

Bước 1: Cắt nhỏ các loại rau củ ( trừ dầu thực vật để chiên)
Bước 2: Trộn tất cả các nguyên liệu vào với nhau trong một bát. Bạn có thể cho hỗn hợp này vào lò quay một chút hoặc cho lên bếp đảo một lúc, thêm ít muối tùy ý.
Bước 3: Sau đó, viên tròn hỗn hợp lại, có đường kính cỡ 3cm sau đó ấn dẹt.
Bước 4: Lăn viên thịt thập cẩm qua lớp bột mì. Sau đó nhúng qua vào bát trứng.
Bước 5: Làm nóng ít dầu ăn trong chảo. Cho các miếng thịt viên thập cẩm vào chiên mỗi bên 2 phút hoặc cho đến khi thịt chín.
Cho thịt viên thập cẩm chiên ra đĩa rồi ăn nóng với cơm nhé!

Chúc các bạn thành công và ngon miêng với món thịt viên thập cẩm chiên!

Kẹo Sữa (Theo Korean BS)
Được tạo bởi Blogger.